Sinh con thứ hai? Mẹo quản lí nuôi dạy trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh
Sinh thêm bé thứ hai có thể là một món quà tuyệt vời cho bé đầu lòng của bạn, để bé có thêm một người bạn mới chơi cùng khi còn nhỏ và hy vọng sẽ là một người bạn bên cạnh bé suốt cuộc đời khi lớn khôn. Tuy nhiên, có thêm một em bé khi bé lớn chỉ vừa mới chập chững đòi hỏi một kế hoạch tỉ mỉ.
Có rất nhiều phụ nữ sinh con lần hai khi con đầu chỉ từ 2 đến 4 tuổi. Nếu bạn thuộc trường hợp này, con lớn của bạn sẽ chỉ mới biết đi khi bạn sinh con thứ hai. Tùy vào lựa chọn của bạn, có thể con lớn của bạn vẫn còn đang bú mẹ. Trong khoảng thời gian này, theo tự nhiên bé sẽ có rất nhiều câu hỏi.
Sự tò mò này là lẽ thường tình và nên được khuyến khích. Nếu bạn giúp bé hiểu được điều gì sắp xảy ra, bé sẽ thoải mái hơn và giúp bạn “chăm sóc” em trai hoặc em gái của chúng.
Dưới đây là một số thứ bạn nên cân nhắc trước và sau khi em bé ra đời.
TRƯỚC KHI em bé ra đời
Tại sao bạn nên nói chuyện với con về việc mang thai?
Thành viên mới sẽ có tác động lớn lên con bạn theo nhiều cách khác nhau. Trong một khoảng thời gian dài, bé là nơi tập trung chú ý của cả gia đình. Giờ đây bé có thêm một người em khác để “cạnh tranh”. Các bé lớn thường muốn được bảo vệ và chăm sóc cho em mình, nhưng chúng cũng có một chút ít ghen tị.
Trẻ em cũng có một sự mong đợi về việc em trai hoặc em gái mình sẽ trông như thế nào khi được sinh ra. Bé nên được hiểu rằng em mình không thể chơi đá bóng cùng ngay lập tức được. Thực tế, hãy giải thích rằng em bé cần cả gia đình giúp đỡ để phát triển và học hỏi trong những tháng đầu tiên của cuộc đời. Chúng rất cần anh hoặc chị mình quan tâm chăm sóc!
Một thông điệp rất quan trọng cần chia sẻ với bé lớn nhà bạn là, mặc dù thành viên mới sẽ lấy đi rất nhiều thời gian của bạn nhưng bé vẫn rất quan trọng. Bạn yêu bé hơn mọi thứ trên đời. Và thực tế rằng vai trò của bé trong gia đình cũng dần quan trọng hơn rất nhiều. Là một người anh hoặc người chị, bé có nhiều trách nhiệm mới cũng như những trải nghiệm mới. Bạn có thể đề cập đến những buổi đi chơi đặc biệt hoặc những đặc quyền khi được làm con cả trong nhà. Có lẽ bạn nên bắt đầu cùng bé làm những việc “người lớn” trước khi bé thứ hai ra đời.
Khi nào nên nói cho con biết bạn sắp sinh em bé?
Thời điểm bạn nên thông báo với con mình về việc mang thai phụ thuộc vào độ tuổi của chúng. Chung quy thì trẻ 4 tuổi thường dễ chấp nhận việc này hơn là những bé 2 tuổi. Không có những quy tắc khắt khe gì ở đây cả, nhưng thường thì bạn nên đợi đến hết 3 tháng đầu mang thai để bắt đầu tạo sự phấn khởi cho con mình.
Trẻ ở lứa tuổi tiểu học nên được thông báo ngay khi bạn đời của bạn đã sẵn sàng; đừng bắt bản thân phải giữ bí mật nếu bạn muốn bé cùng chia sẻ niềm vui với mình.
Điều cuối cùng, bạn muốn giải thích bao nhiêu về việc mang thai là quyết định cá nhân bạn. Tuy nhiên, dù bạn quyết định nói gì chăng nữa, hãy sử dụng những từ ngữ đơn giản và gói gọn trong một câu cho dễ hiểu. Nhiều bà mẹ tìm được niềm vui trong việc giải thích những khái niệm phức tạp thành những thuật ngữ đơn giản hơn cho con. Có phải việc mang thai cũng tương tự như sự lớn lên của một bông hoa không? Hoặc có thể bạn thấy nó giống với một chú bướm trong kén hơn chẳng hạn?
Bạn nên nói chuyện với con về thành viên mới như thế nào?
Điều tiết lộ lớn nhất phải thật vui. Hãy biến nó thành một bất ngờ thú vị. Hãy thật sáng tạo và thoải mái. Cùng mọi thành viên trong gia đình tạo một không khí của sự sẻ chia ngay từ khi bắt đầu. Bạn có thể dùng ảnh siêu âm để câu chuyện của mình chân thật hơn – bằng cách đưa bé đến phòng khám và cho bé thấy điều gì đang diễn ra trong bụng mẹ.
Trẻ nhỏ tuổi thường có phản ứng đặc biệt tốt với hình ảnh, do đó có thể bạn sẽ cần ngồi xuống với con mình để cùng xem video dành cho trẻ em về quá trình mang thai. Bạn cũng có thể cùng con thông báo tin vui trên Facebook – ví dụ, bằng cách chụp một tấm ảnh bé đang cầm một tấm bảng ghi rằng “Tớ sắp được làm anh/chị rồi!”
Cùng nhau đọc sách và giúp bé liên hệ với những gì đang đọc trong câu chuyện. Ví dụ, hãy thử xem qua danh sách Sách dành cho trẻ mới có em tại trang Amazon Canada. Một ý tưởng khác là hãy cùng bé làm một cuốn sổ lưu niệm, ghi lại quá trình phát triển của thành viên mới. Sau đó bạn có thể kèm một tấm ảnh chụp em trai hoặc em gái của bé lúc mới sinh vào sổ.
Những điều cần nói và những việc cần làm với bé lớn
Nhắc bé rằng một em bé khi vừa mới sinh ra thường làm 3 điều – ăn, ngủ và khóc. Do đó, em trai hoặc em gái của bé sẽ lấy đi rất nhiều thời gian của bạn. Hãy kể cho bé nghe những câu chuyện khi bé mới sinh như thế nào và bạn đã chăm sóc bé ra sao.
Bạn có thể thảo luận với bé về những việc thú vị mà bé có thể giúp bạn – giúp việc vặt cho mẹ, dọn dẹp nhà cửa và đi chợ mua thức ăn.
Đừng quên giải thích về việc cho con bú. Bé lớn của bạn có thể sẽ cảm thấy hơi ghen tị mỗi khi bạn dành thời gian cho em của chúng. Vì thế việc giải thích cho bé hiểu về mục đích của cho con bú và cho bú như thế nào là rất quan trọng. Thậm chí bạn có thể dẫn bé đi các hội nghị La Leche để giúp bé hiểu hơn về quá trình này.
Nhân cách hóa em bé của bạn là điều vô cùng quan trọng. Hãy để cho bé lớn chạm vào bụng mẹ để cảm nhận chuyển động của em bé. Bằng cách này chúng sẽ xây dựng một mối quan hệ với nhau trước khi em bé mới ra đời.
SAU KHI em bé ra đời
Sự xuất hiện của thành viên mới là một trong những thời điểm vui vẻ và hào hứng nhất của gia đình, nhưng đồng thời nó cũng đem lại những thử thách mới. Dưới đây là một số mẹo để vượt qua khoảng thời gian chuyển tiếp này với bé lớn của bạn.
Tung hứng – Hãy chuẩn bị cho những phản ứng tiêu cực
Nhiều trẻ thường gặp khó khăn với hoàn cảnh và thói quen mới. Do đó, việc gặp phải những phản ứng tiêu cực hay cảm xúc thái quá là lẽ tự nhiên. Sau tất cả thì thế giới của con bạn đang thay đổi rất mạnh mẽ – và có thể là chúng chỉ muốn mọi thứ cứ như trước mà thôi!
Trước khi em bé mới ra đời thì bé lớn từng là trung tâm chú ý của bạn và chồng bạn. Cho dù bạn đã làm rất nhiều thứ để bé sẵn sàng với sự xuất hiện của em trai hoặc em gái nhưng thực tế vẫn sẽ rất khó khăn khi em bé ra đời. Bỗng dưng bố và mẹ lại có thêm một người nữa để dồn hết sự chú ý đến.
Vậy nên, đừng quá ngạc nhiên khi nhận thấy con bạn tỏ ra khó chịu hoặc thậm chí là không nghe lời. Giữ bình tĩnh là điều vô cùng quan trọng. Hãy cho bé thấy bạn yêu bé nhiều như thế nào, nhưng đồng thời cũng phải nghiêm khắc khi đưa ra những quy định mới. Nếu con bạn thấy rằng bé có thể lôi kéo để bạn dành ít thời gian với em hơn, bé chắc chắn sẽ làm điều đó.
Những việc để làm cùng với con khi đang cho bé mới sinh bú
Vừa cho bé mới sinh bú vừa chăm sóc bé lớn có thể là một thử thách khó khăn, đặc biệt là khi bạn ở nhà một mình. Dưới đây là một số mẹo để việc cho bú dễ dàng hơn khi bạn đang trông con.
Điều quan trọng nhất là hãy tổ chức – sắp xếp lại nơi cho con bú và đảm bảo xa tầm tay trẻ em. Đặt sách và đồ chơi xung quanh. Bạn có thể để bé lật sách cho bạn đọc khi bạn đã sẵn sàng cho em bé bú.
Nhiều bà mẹ thích nằm thủ thỉ trò chuyện với con lớn khi đang cho em bú. Điều này cho bé thấy ngay cả khoảng thời gian bạn đang cho con bú cũng là “thời gian tuyệt vời ở bên mẹ”.
Bạn có thể chơi trò “Tôi thấy” với bé hoặc cùng bé hát. Hãy tận hưởng những giây phút vui vẻ bên nhau. Trong suốt khoảng thời gian cho con bú, một số bé còn nhỏ tuổi thích chơi trò y tá với búp bê hoặc gấu bông (hoặc thậm chí là xe đồ chơi!)
Để đảm bảo an toàn cho con và giữ cho bản thân bạn được tỉnh táo, điều quan trọng trong giờ cho bú là bạn phải để bé ở chung một phòng với bạn. Đóng cửa lại hoặc sử dụng một cái cổng trẻ em để bé không thể “trốn” và nghịch ngợm trong toilet trong lúc bạn đang cho con bú hoặc đang nghỉ ngơi.
Có thể vừa cho bé lớn và bé nhỏ bú cùng lúc được không?
Việc cho một bé còn nhỏ tuổi và một bé mới sinh bú cùng lúc (nuôi bú song song) là điều hoàn toàn có thể. Nếu con của bạn vẫn còn bú mẹ và bạn muốn nuôi bú song song, hãy giải thích với bé mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào. Chỉ ra rằng em bé mới sinh thì sẽ cần được cho bú nhiều hơn vì em không thể ăn được những thức ăn khác trong khi bé lớn thì có thể, xem qua bài viết của La Leche về nuôi bú song song.
Nếu như bé lớn (đã cai sữa) muốn được cho bú tiếp thì sao?
Một trong những tình huống dở khóc dở cười khi làm mẹ là khi bạn cho con bú lần cuối cùng. Một mặt, con của bạn đang bước vào một giai đoạn mới trong cuộc đời. Mặt khác, một số bà mẹ lại nhớ đến khoảng thời gian đặc biệt với con khi cho con bú. Đôi khi việc buông bỏ sẽ hơi khó khăn một chút. Ngay cả khi con của bạn đã cai sữa, thỉnh thoảng bé vẫn sẽ đòi được mẹ cho bú khi mẹ vừa sinh em bé là điều hoàn toàn bình thường.
Không có câu trả lời nào là dễ dàng. Bạn chỉ cần làm những thứ bạn thấy thoải mái nhất. Một số bà mẹ cảm thấy rất vui khi lại được cho con mình bú – đây có thể sẽ là một trải nghiệm đem đến sự an ủi cho bạn. Tuy nhiên, nếu bạn không muốn đi vào con đường “không cai sữa” cho con, bạn phải đặt ra những kỳ vọng rõ ràng rằng “sữa mẹ là dành cho em”. Hãy khiến bé cảm thấy trưởng thành và giải thích cho bé rằng bé đã có thể ăn được những món mới và trải nghiệm mới cùng bạn.
Bạn có những ý tưởng gì để giúp bé lớn ở nhà hiểu được cần phải mong đợi những gì khi có em không? Hãy để lại bình luận dưới đây và cho chúng tôi biết nhé, hoặc tham gia trò chuyện với chúng tôi tại trang Facebook Medela.