Nuôi con bằng sữa mẹ là một quyết định mang đầy tính cá nhân. Để đưa ra được quyết định đúng nhất cho bản thân, người phụ nữ cần cân bằng rất nhiều mối quan tâm của mình. Cho con bú đã được ghi nhận mang lại rất nhiều lợi ích về sức khỏe không chỉ cho em bé mà còn tốt cho cả mẹ. Hiện nay nghiên cứu đã được ghi nhận chỉ ra rằng, người mẹ cho con bú với thời gian dài hơn một năm có khả năng giảm nguy cơ mắc ung thư vú
Nghiên cứu đã chỉ ra điều gì?
Đã có rất nhiều bàn luận về việc cho con bú có thể giảm nguy cơ mắc ung thư vú. Một nghiên cứu toàn diện nhất được tiến hành về chủ đề này đã được phát hành trong một ấn bản danh tiếng có tên là “Tuần san Lancet” vào năm 2002. Đây là nghiên cứu duy nhất vì nó được tiến hành với phụ nữ sống tại 30 quốc gia khác nhau. Điều này rất quan trọng vì có thể mang đến cho người đọc cái nhìn về những thói quen nuôi trẻ sơ sinh khác nhau.
Nghiên cứu thực hiện trên khoảng 50,000 phụ nữ bị mắc ung thư vú và gần 97,000 phụ nữ bình thường. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc cho con bú làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú. Nghiên cứu đi sâu vào liên hệ giữa tỉ lệ mắc ung thư vú và cho con bú trên toàn toàn thế giới và như đã đề cập, kết quả của nghiên cứu này đã mang lại một cái nhìn rõ ràng, có tính khái quát toàn cầu. Đồng thời cũng nhìn nhận các vấn đề như phụ nữ ở các lứa tuổi, độ tuổi sinh con đầu lòng và chu kỳ kinh nguyệt
Nghiên cứu đi đến một kết luận đáng để suy ngẫm rằng “Người mẹ cho con bú càng lâu thì càng ít nguy cơ mắc ung thư vú. Việc không cho con bú hoặc thời gian cho con bú ngắn, điển hình ở phụ nữ tại các nước phát triển – là nguyên nhân chính đưa đến khả năng mắc ung thư vú cao ở những nước này”
Về cơ bản, họ nói rằng thực tế phụ nữ ở các nước phát triển có xu hướng ít cho con bú và thời gian cho con bú ngắn hơn, có thể giải thích cho tỉ lệ mắc ung thư vú cao tại những nước này.
Nghiên cứu chuyên sâu của Mỹ về liên hệ giữa cho con bú và ung thư vú
Đã có thêm nhiều nghiên cứu tập trung vào mối liên hệ giữa cho con bú và nguy cơ mắc ung thư vú. Một nghiên cứu chuyên sâu của Mỹ xuất bản năm 2009 chỉ ra rằng tỉ lệ mắc ung thư vú giảm xuống xấp xỉ 25% khi cho con bú. Kết quả thậm chí ấn tượng hơn được ghi nhận đối với những người mẹ có gia đình có tiền sử ung thư vú. Trong những trường hợp đó, các chuyên gia nhận thấy rằng cho con bú có thể giúp giảm tới 60% khả năng mắc ung thư vú.
Về việc tái phát ung thư vú, một nghiên cứu khác chỉ ra rằng phụ nữ đã từng bị ung thư vú và đã từng cho con bú thì khả năng tái phát ung thư vú là thấp hơn 30% và khả năng tử vong do ung thư vú là thấp hơn 28% so với phụ nữ chưa từng bao giờ cho con bú.
Phải chăng các nước đang phát triển đi đúng hướng?
Giảm số lượng phụ nữ có khả năng mắc ung thư vú là mục tiêu của cả các nước phát triển và đang phát triển. Nghiên cứu được đề cập ở trên chỉ ra rằng tổng thể con số phụ nữ mắc ung thư vú ở các nước phát triển có thể được giảm xuống đáng kể nếu phụ nữ ở các nước đó cho con bú nhiều hơn và kéo dài thời gian cho con bú và về cơ bản là đi theo phương thức cho con bú là xu hướng phổ biến hơn ở các nước đang phát triển. Các bác sĩ có tham gia vào nghiên cứu cho biết cho con bú có thể là nhân tố giúp giảm tới 2/3 khả năng mắc ung thư vú.
Tại sao cho con bú lại có tác động đến khả năng mắc ung thư vú?
Nghiên cứu được báo cáo trong tuần san Lancet cũng nhận định rằng trong quá trình cho con bú, lượng hoóc môn estrogen và progesterone thấp trong cơ thể có thể chi phối nguy cơ mắc ung thư. Estrogen và progesterone là hoóc môn có liên quan tới các u ung thư và việc cho con bú có tác dụng như là một hình thức tránh thai tự nhiên, có tác dụng làm giảm lượng hoóc môn của người phụ nữ xuống mức làm cho chu kỳ kinh nguyệt dừng lại. Hiện tượng phụ nữ không thường xuyên rụng trứng khi cơ thể sản sinh sữa nuôi con có thể được hiểu là để bảo vệ họ khỏi ung thư vú và buồng trứng. Các nhà nghiên cứu cho rằng lượng hoóc môn cao cần thiết cho việc tiết sữa trong cơ thể, có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của các tế bào, ngăn cản tuyến vú khỏi những thay đổi có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Cuối cùng, các ý kiến cho rằng cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để có thể hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa cho con bú và ung thư vú. Cho đến lúc đó, thì điều quan trọng hiện giờ là cần nhấn mạnh những điều mà người mẹ có thể làm để giữ sức khỏe cho bản thân và bảo vệ mình tránh khỏi ung thư. Trong một bài báo của tờ nhật báo Daily Telegraph, Yinka Ebo – trưởng bộ phận thông tin sức khỏe của tổ chức Breakthrough Breast Cancer – cho biết có nhiều điều khác nữa mà một người phụ nữ có thể làm để phòng tránh ung thư: “Có nhiều điều mà một người phụ nữ có thể làm để giảm nguy cơ mắc bệnh cho bản thân bao gồm: duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, hạn chế uống rượu và thường xuyên vận động.” Đó là lời khuyên để có một sức khỏe tốt cho người phụ nữ và họ có quyền lựa chọn cho con bú hoặc không.